Bộ giáo lý đức tin đã xét xử vụ cựu Hồng Y Theodore McCarrick nguyên TGM giáo phận thủ đô Washington và đã buộc vị này hồi tục. Án lệnh này đã được ĐTC nhìn nhận là không thể kháng án.
CHÚA NHẬT XXVIII TN B (Mc 10,17-30)
Hai anh em luôn thương yêu nhau và nâng đỡ, giúp nhau sống giữa cuộc đời. Khỏang năm 270, một buổi sáng tới nhà thờ, anh nghe được tiếng Chúa trả lời câu hỏi của một người : “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Chúa nói : “Hãy đi bán những gì ngươi có mà cho người nghèo, ngươi sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta” . Lời Phúc âm này tưởng như Chúa đang nói với chính mình, anh đã quyết tâm thực hiện. Thế rồi anh chia ruộng đất cho những bà con nghèo khó lối xóm, bán tất cả gia sản mình đang có, phân phát tất cả cho những bà con nghèo. Anh gửi em gái yêu quí của mình vào một cộng đồng trinh nữ, còn anh thì quyết tâm dấn bước đi theo tiếng Chúa gọi. Sau nhiều ngày vất vả, lang thang, anh đã gặp một vị tu hành và xin dựng lều gần vị khổ tu để học tập cuộc sống tu trì với vị ẩn sĩ ấy.
Năm 35 tuổi, anh quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn, mật thiết với Thiên Chúa. Tiếng tăm nhân đức và sự khôn ngoan của anh lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin anh chỉ giáo. Năm 305, anh bỏ đời ẩn tu và thiết lập các tu viện, anh đã qui tụ được rất nhiều môn đệ. Với một lòng yêu mến Chúa dạt dào, anh đã làm gương cho nhiều người về đời sống thánh thiện và các nhân đức siêu việt của anh. Anh qua đời ngày 17/01/356 . Vào năm 561, xác anh được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan tiền hô tại Alexandria. Các Giáo Hội Trung Đông đã sùng kính anh, xem anh như một gương mẫu của đời thánh hiến, lòng sùng kính ấy tràn qua Âu Châu và Giáo Hội Công Giáo đã chính thức tôn phong anh lên bậc hiển thánh và mừng lễ vào ngày 17/01 hàng năm. Chàng thanh niên đó chính là Thánh Antôn viện phụ.
Biết bao thế kỷ trôi qua, câu hỏi : “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” cũng là câu hỏi của mỗi người chúng ta thành tâm hỏi Chúa. Có lúc, chúng ta thấy mình xem ra cũng “đạo đức”, cũng “thánh thiện” đấy chứ, bằng chứng là chúng ta không phạm tội trọng, không cãi lộn, đánh nhau, đi lễ thường xuyên, lần hạt hàng ngày…và cũng như người thanh niên trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng muốn được sự sống đời đời. Rồi thì Chúa cũng trả lời chúng ta y hệt như câu Ngài trả lời với người thanh niên : “Hãy đi bán những gì ngươi có mà cho người nghèo, ngươi sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta”. Thiết tưởng chúng ta không làm được như Thánh Antôn đâu, chúng ta cũng lại bắt chước anh thanh niên nọ, lầm lũi, buồn rầu bỏ đi nhưng “tệ” hơn anh ấy một chút là chúng ta mặc dù không giàu như anh ấy, nhưng lại tiếc của hơn anh ấy !
Bạn sẽ hỏi lại tôi, có cần phải bán của cải để nên trọn lành không ? Có cách khác cho những thanh niên ngày nay chứ ? Chúng ta phải hiểu rằng Lời Chúa muốn mỗi người chúng ta phải đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, hãy để Người hướng dẫn từng bước chân chúng ta trong cuộc đời, đừng cậy dựa vào thế lực của trần gian, của bạc tiền, của người đời. Tóm lại là đừng đam mê vật chất.
Người trẻ ngày nay hay than khổ, than chán vì tâm trí lúc nào cũng tạo ra cảnh khổ ải cho mình. Hãy vứt bỏ sự khổ ải ấy khỏi tâm trí. Nhưng làm sao có thể vứt bỏ sự khổ sở đi được? Hãy tìm ra nguyên nhân gây ra đau khổ và can đảm nhìn thẳng vào nó. Nó sẽ tự nhiên chấm dứt. Nguyên nhân ấy chính là sự đam mê vật chất.
Đam mê vật chất là một trạng thái cảm xúc được tạo nên do sự yên trí rằng thiếu người này, thiếu vật nọ, bạn không thể có hạnh phúc. Thí dụ : thiếu anh ấy (cô ấy) đời này còn ý nghĩa gì !!! Anh (em) không thể sống thiếu em (anh) …Không có tiền thì không thể có hạnh phúc ! Không có xe gắn máy làm sao có bồ ! Không có tiền làm gì có ai yêu ! Trạng thái cảm xúc đeo bám này được tạo thành nhờ hai yếu tố, một tích cực và một tiêu cực. Yếu tố tích cực là sự hoan lạc và hồi hộp khi chúng ta đạt được điều đam mê. Yếu tố tiêu cực là cảm thức đe dọa và căng thẳng mà lúc nào cũng đi kèm sự đam mê, không biết có giữ được điều đam mê ấy mãi không ?. Thí dụ : .một người tù đang ăn ngấu nghiến trong một trại tập trung; tay này cầm thức ăn đưa lên miệng, tay kia giữ chặt kẻo bị những người tù khác giật mất nếu thiếu cảnh giác. Đó là hình ảnh rõ nét về một người đang sống trong tình trạng đam mê vật chất.
Với người đam mê vật chất, tùy theo sự đam mê ít hay nhiều mà vật chất làm cho họ trở nên yếu đuối trước sự xúc cảm và khi có rồi thì lúc nào cũng đe dọa làm tan vỡ sự an bình. Như thế làm sao chúng ta có thể trông mong một người đam mê vật chất bước vào đại dương hạnh phúc, có tên là Nước Thiên Chúa cho được? Việc đó cũng giống như trông đợi một con lạc đà chui qua lỗ kim vậy!
Thật vậy, bi kịch của sự đam mê ở chỗ là nếu như chúng ta không chiếm hữu được đối tượng, thì nó gây cho ta khổ sở. Nhưng nếu khi chúng ta chiếm được đối tượng kia rồi, thì nó cũng chẳng đem lại hạnh phúc cho chúng ta - nó chỉ tạo ra thứ hoan lạc nhất thời, chóng qua, và liền sau đó là nỗi chán ngán; và dĩ nhiên, luôn đi kèm theo nỗi lo lắng rằng chúng ta có thể đánh mất đối tượng dính bén ấy.
Người giàu có không thể vào được thiên quốc không phải vì họ muốn làm người xấu, nhưng chỉ vì họ muốn thỏa mãn sự đam mê vật chất mà sự đam mê ấy thì chỉ thỏa mãn trong chốc lát để rồi để lại trong họ nỗi lo lắng, bồn chồn phải cố mà giữ lấy, đừng đánh mất. Cái trạng thái ấy khiến người giàu lúc nào cũng trăn trở, mất bình an.
Lạy Chúa ! chúng con tin thật chỉ có Chúa là hạnh phúc đích thực của chúng con. Chúng con muốn thoát ra khỏi sự đam mê của cải phù vân để bước theo Chúa. Xin giúp chúng con biết tín thác cuộc đời mình cho Chúa vì chính Chúa là gia nghiệp của đời chúng con. AMEN
Ý kiến bạn đọc