Bộ giáo lý đức tin đã xét xử vụ cựu Hồng Y Theodore McCarrick nguyên TGM giáo phận thủ đô Washington và đã buộc vị này hồi tục. Án lệnh này đã được ĐTC nhìn nhận là không thể kháng án.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – Năm B (Mc 14,1-15,47)
Phụng vụ của ngày Chúa nhật lễ Lá với ngày thứ sáu tuần thánh có những điểm tương đồng giống nhau : chúng ta thấy các Linh mục mặc phẩm phục đỏ, rồi bài Tin mừng là bài thương khó của Đức Giêsu với đỉnh cao là cái chết trên Thánh Giá của Ngài. Thánh Giá trở thành đề tài chính trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Vậy chúng ta hãy dành ít phút để suy niệm về Thánh Giá các bạn nhé !
Chuyện xưa kể rằng có một vị vua đã già muốn truyền ngôi cho con. Vua mới thử hoàng tử bằng cách cho hoàng tử được lựa chọn 2 vật ở trên bàn : một thanh kiếm và một triều thiên. Vua hỏi : Con chọn cái nào ? Chần chừ một lúc, hoàng tử chọn lấy thanh kiếm. Vua cha hỏi :Sao con lại chọn thanh kiếm ? Hoàng tử trả lời : Nhờ thanh kiếm này, con sẽ có được triều thiên kia và giữ nó. Còn nếu con chọn triều thiên thì một ngày nào đó con sẽ không giữ được triều thiên nếu không có thanh kiếm.
Câu chuyện cho chúng ta một bài học : muốn đến bến vinh quang phải trải qua đau khổ, chịu khó. Nhưng với cái nhìn Kitô giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi xa hơn khi đọc lại bài thương khó của Đức Giêsu, bài ca của Thánh Giá; để nghiệm ra một bài học mà Chúa đã dạy mỗi người chúng ta : “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Vị hoàng tử nọ đã chọn cây kiếm để có được triều thiên vương quyền, thì chúng ta cũng phải biết chọn lấy Thánh Giá để có được triều thiên nước Trời.
Chúng ta đã biết, cây thập giá đối với người ngoại, đối với những người không có đức tin thì đó là cả một dụng cụ tử hình, một vật dùng để thóa mạ tội nhân tử hình. Nhưng đối với chúng ta, với con mắt đức tin, chúng ta thấy nơi thập giá Đức Kitô điều gì : cây thập giá có hình chữ T, còn người treo trên thập giá có hình chữ Y. Chữ T và chữ Y xin đọc là TÌNH YÊU. Vâng, một chứng từ tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã muốn biểu lộ cho con người.
Trong đời sống hằng ngày, người nào cũng muốn cho mình là khôn, ai cũng muốn cho mình là thầy của thiên hạ, mình là cái túi khôn muôn đời, nhưng thử hỏi có mấy người khôn thật, có mấy người có con mắt tinh đời để nhìn sự vật cho đúng ? Người ta hay đánh giá sự vật theo cái vỏ bên ngoài mà quên cái bản chất của nó nhiều khi “xù xì da cóc trong bọc trứng gà” bởi vì nó “xanh vỏ đỏ lòng” ai ngờ được. Chỉ có những người chuyên môn và có con mắt tinh đời mới nhìn đúng sự vật.
Trong đời sống thiêng liêng, số người như thế lại càng nhiều. Nếu người ta chỉ nhìn mọi vật theo chiều hướng vật chất thì làm sao người ta có thể tìm ra được cái ý nghĩa thiêng liêng cao qúi tàng ẩn trong đó. Nếu người ta chỉ nhìn thấy cây thập giá với con mắt vật chất thì cây thập giá ấy chẳng có nghĩa lý gì, mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Và những ai yêu mến cây thập giá thì đúng là những người điên khùng, nông nổi, mê tín. Nhưng với con mắt đức tin, người ta mới tìm ra sự khôn ngoan vô cùng đã chứa sẵn trong cây thập giá đó
Chúng ta thấy các Linh mục, tu sĩ được chúng ta kính trọng. Thế nhưng, dưới con mắt những người trẻ hiện thực thì họ lại nhìn các cha, các tu sĩ với con mắt ngỡ ngàng, khó hiểu. Họ thắc mắc : tại sao những người này lại đi tu ? Tại sao họ lại bỏ cả mọi sự đời mà chấp nhận một đời sống khắc khổ như vậy ? Tại sao ở đời có một niềm hoan lạc, hạnh phúc là tình yêu nam nữ, những người này lại khước từ ? Lý do nào thúc đẩy họ làm như thế ? Phải chăng họ là những người điên khùng, suy nghĩ nông cạn? Thưa rằng các Linh mục, tu sĩ đó đã hiến cả cuộc đời mình để đi theo con đường khổ giá là để chứng tỏ tình yêu với Đấng đã chết trên thập giá vì loài người và để thực hiện lời dạy :”Kẻ nào muốn cứu lấy mạng sống mình, thì sẽ mất, còn kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sống” (Mt 16,25).
Thánh Augustinô nói :”Yêu ai thì nên giống ngưới ấy”. Chúng ta yêu mến Chúa Giêsu thì chúng ta cũng phải trở nên giống Người, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúa Giêsu đã được tiên tri Isaia mô tả là một tên tôi tớ rốt hèn, chịu đau thương (Is chương 53). Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai của ngày hôm nay lại mô tả :”Đức Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Xin mượn lời Thánh Phaolô để kết thúc bài suy niệm : “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian”( Gl 6, 14 ).
Ý kiến bạn đọc